Đưa kỹ năng nữ công gia chánh vào trường học: Quan trọng và hữu ích
(HPĐT)- Cùng với kiến thức văn hóa, trang bị cho học sinh các “kỹ năng mềm” như: nội trợ, khâu vá, quản lý chi tiêu... dần được nhiều nhà trường trên địa bàn chú trọng thực hiện. Qua đó giúp các em có thể tự chăm sóc bản thân và gia đình khi còn ngồi trên ghế nhà trường...
Chú trọng “kỹ năng mềm”
Trong các hoạt động giáo dục, một trong những nội dung được các giáo viên Trường mầm non Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng) hướng dẫn trẻ là kỹ năng làm nội trợ với những hoạt động đơn giản. Tùy theo từng độ tuổi, giáo viên sẽ hướng dẫn các bé những hoạt động khác nhau. Ví dụ, đối với trẻ 3, 4 tuổi thì thao tác đơn giản như: trộn hoa quả, bánh mì phết bơ, pha nước quất..., nhưng với trẻ 5 tuổi, các cô sẽ hướng dẫn những thao tác cần sự khéo léo hơn như: đóng xôi vào khuôn hình, gói chả nem, cuốn bánh phở... Cô Vũ Thị Kim Chi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đây là hoạt động giáo dục hết sức cần thiết, nhất là với các bé gái, giúp hình thành trong các bé suy nghĩ, thiên hướng ngay từ nhỏ về bản năng, giới tính của người phụ nữ biết làm việc nhà, nội trợ, chăm sóc gia đình.
Tại Trường tiểu học Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên), ngoài thành lập các câu lạc bộ múa, hát, ngoại ngữ, nhà trường quan tâm trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng gia chánh đối với học sinh. Cô Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Điều kiện kinh tế cải thiện khiến các dịch vụ hỗ trợ ngày càng nhiều. Cá, thịt, cua cáy ở chợ được làm sẵn, đến các loại rau cũng được nhặt sẵn, nên các em dần mất đi kỹ năng gia chánh, thậm chí không biết nấu các món ăn ngoài cắm nồi cơm điện. Nhiều em còn không phân biệt một số loại cá, rau, thậm chí cách nhặt các loại rau ngót, rau đay, rau muống, rau thơm... như thế nào. Do vậy trang bị các kỹ năng gia chánh cơ bản, nấu nướng, làm việc nhà sẽ giúp các em phát triển toàn diện hơn’’. Quan điểm này cũng là suy tư của cô Lê Thúy Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân). Trong các hoạt động ngoại khóa của học sinh, giao lưu với học sinh nước ngoài, một trong những hoạt động nhà trường hay tổ chức là làm các món ăn truyền thống Việt Nam. Cô Hạnh bày tỏ, đây là dịp vừa giới thiệu, quảng bá các đặc sản ẩm thực của đất nước, thành phố, vừa là dịp để học sinh nhà trường thực hành làm các món ăn. Trang bị kỹ năng gia chánh như nấu ăn, pha chế nước chấm, dọn dẹp nhà cửa, thậm chí may vá, đan móc... không chỉ cần thiết với học sinh nữ mà cả học sinh nam ở mức độ phù hợp. Vì sau này các em sẽ trưởng thành đi làm, đi học xa nhà tách khỏi bố mẹ. Với những kỹ năng cơ bản sẽ giúp các em sống độc lập, biết tự chăm lo dinh dưỡng cho bản thân, biết khâu lại đường chỉ bị bục, đơm cúc áo bị đứt...
Giúp học sinh phát triển toàn diện
Trước đây, từng có thời kỳ nữ công gia chánh là môn học trong các nhà trường. Qua nhiều lần cải cách giáo dục, thay đổi về dạy nghề trong trường phổ thông và nội dung Chương trình Giáo dục 2018 có nhiều đổi mới nên việc dạy và học môn Nữ công gia chánh không còn như trước. Thường nội dung này tinh gọn vào môn Công nghệ. Học sinh được học làm quen với kim chỉ, khâu vá ở mức độ cơ bản. Khối lượng kiến thức các môn văn hóa nhiều khiến các em không có thời gian và nhà trường, giáo viên cũng không bố trí dạy được nhiều các kỹ năng mềm về gia chánh cho học sinh. Vì vậy, nhiều học sinh hoàn thành chương trình phổ thông nhưng kiến thức về nội trợ, kỹ năng làm việc nhà, nữ công gia chánh khá hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, nhất là những học sinh nữ sau này sẽ trở thành người quán xuyến gia đình.
Nhận thức được vấn đề này, nhiều trường học trên địa bàn bắt đầu chú trọng trở lại việc giáo dục các “kỹ năng mềm” cho học sinh. Hình thức tổ chức có thể linh động về thời gian và thời lượng trong các hoạt động giáo dục, được rất nhiều cha mẹ học sinh đồng tình, ủng hộ cao. Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Quốc Hiệu, Chương trình GDPT 2018 hướng tới phát triển toàn diện học trò. Các em khi ra trường không chỉ có kiến thức mà cần cả các kỹ năng mềm thiết yếu để tự chăm sóc bản thân, là cơ sở sau này khi các em trưởng thành, có thể chăm sóc gia đình một cách chu đáo. Sở GD-ĐT khuyến khích các nhà trường tùy điều kiện thực tế, dựa trên nhu cầu của học sinh, gia đình tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng mềm phù hợp. Khi được trang bị các kỹ năng cơ bản, thiết yếu này ngay từ trên ghế nhà trường sẽ hỗ trợ các em gia nhập xã hội trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.